chẳng có ý nghĩa gì cả!

Tôi là 1 người chẳng bao giờ theo kế hoạch, tôi không hợp với những công việc gò bó và đòi hỏi kỉ luật. Tôi có một sở thích đó là được chạy mãi trên những con đường, hết phố này sang phố khác, ngắm những dòng người tấp nập, nhìn phố xá thay đổi từng giờ rồi ngồi xuống bên một góc đường thảnh thơi uống một ly nước rồi nghe tất cả những âm thanh hối hả của cuộc sống...

Từng có 1 người bạn đã cùng với tôi đồng đi trong những phút ngẫu hứng như thế,cứ chạy lòng vòng suốt thành phố, cũng có đích đến đây nhưng đích đến cứ bị thay đổi liên tục theo những điều bất chợt đến trong đầu chúng tôi. Nhưng rồi chúng tôi không thể cùng đi như thế mãi nữa, những sự bất đồng, những điều chẳng vui xảy đến, tôi chợt nhận ra rằng những chuyến đi bên nhau không làm chúng tôi thấu hiểu lẫn nhau, chẳng có ai đồng đi với ai mãi hết phố này sang phố khác, ai rồi cũng có những sự lựa chọn riêng dẫu đó cũng chỉ là những lý giải cho sự ích kỉ của mỗi người...

Mỗi con người là một thế giới quá lớn đối với chính mình và với người khác, sự hoài nghi có tồn tại giữa thế giới này đi nữa cũng chỉ là để giúp cho chúng ta cảnh giác bảo vệ mình khỏi người khác và chính mình mà thôi...

Xem lại "Father & daughter" làm mình cứ nghĩ về những con đường như thế, rồi cũng có người đến đích trước người kia thì mãi miết với con đường cũ, mỏi mệt trong nỗi cô đơn và ngóng chờ rồi cũng sẽ đến lúc chúng ta gặp lại nhau ở trong một cái thế giới rộng lớn nào đó mà chúng ta chưa khám phá hết. Hạnh phúc dẫu có giản đơn thế nào thì cũng mấy ai định nghĩa được nó. Đôi khi cảm giác cô đơn đối với một người cũng là điều hạnh phúc!

Hôm qua sau khi học xong "Nghệ thuật học" của thầy Chiêu lòng mình lại buồn thê thảm, chẳng vì lý do gì, chỉ buồn vậy thôi...Nói thật chưa bao giờ mình cảm thấy mừng vì mình không có thiên hướng về nghệ thuật như lúc này, dẫu có 1 thời mình bị tự ti vì chẳng biết vẽ, hát dở, không có khiếu thơ văn...nhưng giờ mình nghĩ vậy mà lại hay, càng tiếp cận nhiều với văn chương lại càng cảm thấy mình bất lực trước thế giới này quá, đủ thứ rối reng, nhất là cái tinh thần của những con người hậu hiện đại...

Mình nói với bạn giờ mới cảm nhận rằng mình không làm được gì cả, mình nhỏ bé quá. Bạn cười rồi đáp lại rằng bạn nhận ra điều đó từ bản thân đã lâu. Thấy cũng vui thật, chẳng lẽ mấy đứa mình học bao nhiêu năm nay, nhét trong mình đủ loại kiến thức của đời này, đến khi gần tốt nghiệp đại học lại chợt nhận ra rằng mình chẳng làm được việc gì. Ai cũng nói cố gắng học để sau này sướng nhưng giờ mới thấy học nhiều chỉ gánh thêm phiền não, lo lắng và mang bao nhiêu nỗi khổ chẳng phải của mình. Nỗi khổ lớn nhất của con người là tự ý thức về cái khổ của mình chứ chẳng phải bị tra tấn đánh đập hay nghèo đói mới là cái khổ tận cùng. Giờ mới nhận ra, có lẽ làm một nông dân thất học lại là điều thích hợp với mình hơn...

Giờ mình thấy mình bắt đầu thường xuyên nói những lời mình chẳng tự hiểu nổi và rồi nhận ra cả nhà,bạn bè xung quanh cũng chẳng ai hiểu mình. Có lẽ mình cũng đang nhốt mình trong một chiếc hộp, tự cho mình cái quyền cô lập mình với thế giới xung quanh rồi dằn vặt và mỏi mệt trong sự cô độc. 

Cứ một mình đối diện với tất cả những gì trong đầu mình lúc này chắc mình điên mất. Đúng là người ta nói "nhàn cư vi bất thiện" chẳng sai chút nào,càng có thời gian cho mình ngồi nhìn trời đất, ngồi ngắm mưa rơi thến nào rồi lại cũng lãng xẹt như thế này nghĩ những chuyện vẩn vơ. Cứ vậy đi, rồi thì thế giới này cứ tiến dần đến thời kì hậu hiện đại đi, con người cứ mặc sức mà vô tín và hoài nghi tất cả đi, thì mình sẽ làm gì nào? 

Mình cũng vô tín và hoài nghi tất cả như họ sao? Mình ghét mấy cái tư tưởng điên rồ của những kẻ ngông cuồng mang danh nghệ sĩ, mình sẽ đạp đổ tất cả những sự phát triển, mình sẽ tin và tin vững vàng, rồi họ sẽ thấy rằng không phải tất cả con người sống trong thời đại phát triển đều phải chui vào cái hộp như họ, và đi ngược với lịch sử cũng có thể là 1 sự lựa chọn khi người ta không đủ sức thích nghi và bước lên!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"tôi trong mắt tôi"

Perhaps love [Nếu như yêu]

Đêm thiên nga